Các cách khởi nghiệp ở quê nhà
Bạn có vốn, bạn muốn khởi nghiệp, bạn ở nông thôn? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn những cách đầu tư tại quê nhà mang lại hiệu quả cao.
Những năm trở lại đây, khởi nghiệp ở quê nhà là khái niệm chắc hẳn không còn xa lạ đối với mọi người. Nó đã trở thành xu hướng mới của nhiều giới trẻ trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết nên khởi nghiệp gì ở quê nhà vừa phù hợp, độc đáo lại vừa kiếm được nhiều tiền?
Có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà bạn có thể khởi nghiệp tại quê nhà, nhưng để chắt lọc ra những cách khởi nghiệp phù hợp với môi trường ở quê thì rất khó để lựa chọn được cách làm giàu. Trong mỗi ý tưởng kinh doanh, mình sẽ đặt vào đó những cách thức triển khai, những hướng đi, số vốn đầu tư dự kiến để bạn có thể chủ động trong tính toán của mình. Dưới đây là một số cách khởi nghiệp được cho là đầy tiềm năng ở các tỉnh lẻ.
1. Làm giàu từ mô hình trồng nấm
Trong vô số loại rau củ quả dinh dưỡng, nấm là sản phẩm thực vật có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người yêu thích nhưng cũng là mặt hàng khá đắt đỏ
trên thị trường. Mô hình trồng nấm không còn quá xa lạ so với những người sinh sống ở nông thôn. Bởi đây là một trong những ngành bỏ ít vốn nhưng lợi nhuận mang lại khá cao.
Do đó, bạn cũng có thể bắt đầu khởi nghiệp với mô hình này với số vốn nhỏ trên dưới 20 triệu đồng. Trồng nấm thu thành phẩm khá nhanh, chỉ tầm từ 3 – 5 tháng. Thị trường các loại nấm hiện nay rất đa dạng, bạn có thể trồng các loại như nấm rơm, nấm hương, nấm bào ngư, vì kỹ thuật trồng nấm ăn đơn giản so với các loại nấm có công dụng đặc thù khác và ngoài ra chúng có mức giá phù hợp với túi tiền người Việt Nam, dao động trong khoảng từ 40.000-55.000 VNĐ/kg (nấm rơm), nấm bào ngư giá khoảng 45.000 – 60.000 VNĐ/kg, nấm mối có giá từ 500.000 VNĐ/kg - 1 triệu/kg…
Những việc cơ bản bạn cần làm để trồng được nấm:
+ Xử lý nguyên liệu để ủ làm chất dinh dưỡng cho nấm : rơm, mùn…
+ Chuẩn bị giống : là bước chúng ta cần tạo giống trước khi trồng
+ Chăm sóc và thu hoạch: theo dõi, chăm sóc, lưu tâm trị và phòng ngừa các loại sâu bệnh, một số loại bệnh nấm có thể bị như nấm mốc, có màu đen khác thường
Nấm không những mang lại giá trị về dinh dưỡng mà nhiều loại nấm còn có khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh… Vì vậy bạn có thể mở rộng kinh doanh với nhiều loại nấm khác nhau và đặc biệt là bạn phải nhắm đến đối tượng các khách hàng ở thành phố không có diện tích để tự trồng nhưng họ lại có trình độ dân trí cao và hiểu biết sâu về độ dinh dưỡng của nấm nhằm đáp ứng được nhu cầu thực phẩm sạch trong khu vực, trong nước và có tiềm năng xuất khẩu.
2. Bán trà ở nông thôn
Nhắc đến trà, chắc hẳn mọi người ai cũng đều biết. Việc khởi nghiệp với ý tưởng này, bạn phải là người yêu thích và am hiểu về nó. Trước tiên để kinh doanh, bạn cần xác định mình kinh doanh trà tươi, trà sấy khô hay trà gói… Nếu bạn không xác định được mặt hàng kinh doanh của bạn thì rất dễ gây ra sự lẫn lộn và không in sâu vào suy nghĩ của khách hàng rằng cửa hàng đó đang bán món hàng hóa nào chính và như vậy thương hiệu cá nhân của bạn không thể xuất hiện trong đầu người mua.
Việc thứ 2 là bạn cần khoanh vùng lượng khách hàng quanh làng, xã, hoặc xa hơn là thị trấn của bạn. Việc này giúp bạn biết rằng mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày thông qua số lượng sản phẩm trà bán được đồng thời tìm kiếm thêm cách tăng doanh thu lên cao hơn nữa.
Tiếp theo, bạn sẽ phải thực hiện một kế hoạch là truyền miệng thông tin mặt hàng kinh doanh của bạn tới khách hàng tại nông thôn thông qua mối quan hệ quanh bạn. Thông tin khi đã được truyền đi cùng chất lượng sản phẩm thật 100% như đã giới thiệu thì chắc chắn rằng chỉ trong vòng 1 năm, cửa hàng của bạn sẽ có vị trí đứng bề vững trong vùng nông thôn đó.
Vốn để đầu tư kinh doanh trà dự kiến ban đầu:
+ Nhập hàng : 7-15 triệu đồng
+ Thuê cửa hàng: 500.000 VNĐ-1 triệu đồng ( có thể tăng hoặc giảm tùy vào vị trí và diện tích cửa hàng ở vùng nông thôn của bạn)
Kèm theo đó là một số chi phí nhỏ phát sinh thêm như xe cộ đi lại, chi phí tặng khuyến mại thêm sản phẩm…
Đây là những bước cơ bản để bạn có được doanh thu từ cửa hàng trà của mình rồi, Ngoài ra bạn cũng cần lên thêm những kế hoạch làm kích thích nhu cầu mua của khách hàng nhiều hơn, đồng thời phải tiếp cận gần gũi khách hàng nhiều hơn.
3. Chăn nuôi lợn dân dã ( heo mọi-heo đen-lợn rừng)
Một trong những cách được nhiều người ưa chuộng trong quá trình khởi nghiệp ở quê nhà là nuôi lợn. Chúng ta nên hiểu lợn chăn nuôi dân dã và nuôi trang trại khác nhau hoàn toàn. Đối với lợn được nuôi dân dã bạn cần có một khu diện tích đủ lớn để chúng có thể chạy, đào bới giống như một mô hình sinh thái nhỏ.
Mục đích của đầu tư chăn nuôi loại lợn dân dã là mang lại một sản phẩm có chất thịt đặc biệt, rắn và thơm khác biệt hoàn toàn loại thịt lợn được nuôi trang trại( thịt nhão và ra nhiều nước khi đun nấu). Lợn được nuôi dân dã phải được nuôi bằng những thức ăn tự nhiên như rau xanh, cám nấu… và đặc biệt không hề sử dụng cám tăng trọng.
Lợn được nuôi dân dã cũng có giá bán cao hơn, chính sự khác biệt từ loại lợn dân dã này có thể giúp bạn làm giàu nhanh chóng, ngược lại nếu chúng ta sử dụng thức ăn công nghiệp và có diện tích chăn nuôi hạn hẹp sẽ khiến con giống của bạn trở thành loại lợn thịt thông thường.
Định hướng trong mô hình chăn nuôi lợn dân dã
+ Đầu tư vốn mua con giống, số lượng mua trong một lứa chăn có thể từ 15-20 con.
+ Sử dụng nguồn thức ăn được chế biến từ gạo, chuối, rau xanh…
+ Vấn đề diện tích chăn nuôi: Thiết kế một khu vườn có diện tích trung bình 270m2-500m2 và có chuồng bên trong.
Lợi nhuận bạn có thể thu là:
Mặc dù giá trị của thịt lợn tuy không cao bằng thịt bò nhưng đây là loại hàng luôn có nhu cầu tin dùng, sử dụng cao. Nếu như công việc chăn nuôi của bạn thuận lợi, mỗi kg thịt lợn có thể bán được với giá 120.000 VNĐ - 200.000 VNĐ/kg và trung bình mỗi con lợn trưởng thành sẽ có trọng lượng khoảng 20kg, doanh thu cuối cùng bạn cũng có thể tự thấy được mà phải không.
Rõ ràng giá trị của loại lợn được chăn nuôi theo mô hình dân dã như thế này cho lợi nhuận gấp 2, gấp 3 lần so với thịt lợn nuôi theo chuồng. Đã có rất nhiều người khởi nghiệp thành công với cách này, do đó nếu bạn có diện tích rộng, bạn có thể nuôi lợn để bán đi lấy lãi.
4. Mở quán sửa chữa xe máy, xe đạp
Hiện nay tại Việt Nam, nghề kinh doanh và sửa chữa xe máy là một trong những ngành đem lại doanh thu lớn nhất ngoại trừ một số ngành có lợi nhuận cao khác như ngân hàng, dầu khí, khám chữa bệnh…Nếu như bạn là người yêu thích xe và có kỹ năng sửa chữa thì việc khởi nghiệp với cửa hàng sửa chữa xe máy là ý tưởng không tồi bởi số lượng xe máy ngày càng nhiều ở nông thôn nhưng để kiếm được thợ có tay nghề cao ngày càng trở nên hiếm.
Sửa chữa xe máy tại vùng quê khá truyền thốn và phổ biến, thế nhưng sẽ thu lời nếu như bạn vẫn mở thêm một quán nữa, khoản lãi này nhiều hay không thì còn phụ thuộc vào trình độ, tay nghề, khả năng và những mối quan hệ xung quanh bạn.
Những bước cơ bản để bạn có thể đầu tư và phát triển cửa hàng:
+ Đầu tiên bạn cần xác định nguồn nhập linh kiện và phụ tùng có mức giá phải chăng.
+ Thuê một cửa hàng hoặc mặt bằng có vị trí mọi người dễ nhìn thấy biển hiệu ( diện tích cửa hàng tầm từ 20-30m2 ở nông thôn với giá thuê chỉ từ 500.000 VNĐ-1 triệu đồng/tháng).
+ Quảng cáo, marketing, giới thiệu dịch vụ sửa chữa xe máy của bạn đến mọi người bằng việc sửa xe cho những người có tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong làng, xã nơi bạn mở cửa hàng.
+ Không nên thu phí sửa chữa quá cao, bởi vì người ở quê sống bằng cái tình chứ không vì tiền.
Bạn không nên nghĩ làm vậy sẽ giảm có tiền lãi mà trái lại nhờ vậy mà doanh thu sẽ tăng theo số lượng khách hàng. Càng nhiều khách hàng biết đến rằng bạn sửa xe giá rẻ thì sẽ thu hút khách, lúc đó tiền lãi càng nhiều.
5. Cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản quê hương mình
Đã có rất nhiều người luôn tự hỏi nên kinh doanh gì ở nông thôn. Vậy tại sao bạn không tận dụng những món đặc sản ở quê bạn để làm giàu và phát triển chúng. Đặc sản quê hương là một hình thức kinh doanh ở nông thôn rất sáng tạo, bởi những mặt hàng này quá phổ biến với người dân quanh đó và việc mua một món hàng thân thuộc không có gì là xa lạ cả, điều khác biệt ở đây là bạn nhận được tiền lãi. Mô hình này tưởng chừng như bình thường nhưng lại không bình thường.
Ví dụ như bạn đã từng nghe qua sản phẩm bánh đậu xanh tại tỉnh Hải Dương ? Là một đặc sản tại miền đất này. Tuy nhiên không phải nhà nào cũng làm được bánh đậu xanh và việc chúng ta mở một gian hàng là trung tâm chuyên bán bánh cho cả làng, cả xã chắc chắn sẽ mang lại doanh thu.
Điều bạn cần lưu ý trong dự định phát triển này là bạn phải xây dựng được lòng tin, tình cảm với nhiều người trong xóm làng. Bởi vì thứ đặc sản đó quá quen thuộc nên mối quan hệ với người mua rất quan trọng. Hãy tạo cho họ cảm giác thân thiện để họ giúp bạn truyền miệng về cửa hàng của mình.
6. Mô hình nông nghiệp sinh thái
Những năm trở lại đây, những dự án phát triển nông nghiệp sinh thái ngày càng bùng phát, được nhiều người chú ý tới và đầu tư, là ý tưởng khởi nghiệp đầy tiềm năng của nhiều bạn trẻ. Nông nghiệp sinh thái được định nghĩa là mô hình vừa làm nông vừa kết hợp việc xây dựng khu du lịch sinh thái tự nhiên nhằm đón tiếp du khách tham quan.
Điểm nổi bật ở mô hình này chính là các công đoạn trong làm nông như trước đây, tức ít có sự can thiệp của máy móc thay vào đó là sử dụng hoàn toàn sức lao động của con người. Các loại cây trồng, rau củ không hề sử dụng phân bó, hay thuốc trừ sâu. Kể cả việc diệt cỏ, sâu bọ đều do chính tay con người thực hiện.
Tuy nhiên, mô hình này rất đa dạng, tùy theo vùng miền mà cây trồng chủ lực ở đó được quyết định. Ví dụ như những dự án nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc sẽ chọn phát triển các loại cây dược liệu hay ở trang trại ở Đồng Nai trồng các loại cây ăn trái, rau củ sạch.
Hầu hết những sản phẩm từ những dự án này được bán ra từ nguồn dược liệu sạch, rau sạch và thực phẩm sạch khác từ chăn nuôi. Bên cạnh đó, bạn sẽ có thêm nguồn thu đến từ việc đón tiếp du khách đến tham quan các khu du lịch sinh thái được xây dựng ngay bên cạnh trang trại.
7. Mở xưởng sản xuất đậu phụ
Đậu phụ (đậu miếng) là loại thực phẩm được chế biến từ thực vật, có nguồn gốc tự nhiên, được các nhà sư và phần đông những người ăn chay chọn làm món ăn chính trong bữa cơm. Mỗi miếng đậu phụ bán ra với giá 2000 VNĐ mỗi ngày bán được 100 miếng hoặc có thể hơn và bán có thể kiếm được ít nhất 200.000 VNĐ. Với số tiền vốn bỏ ra ít nhưng so với ở quê với số tiền thu lại được như thế này là cả một vấn đề của rất nhiều người. Ngoài ra bạn có thể tìm đến nhà của những vị khách hàng tiềm năng này, trao đổi với họ về mặt hàng bạn đang kinh doanh và có thể giao đậu tới mỗi ngày cho khách hàng. Làm như vậy mỗi ngày mở mắt thức dậy chúng ta đã có một khoản tiền nho nhỏ bỏ túi, tất nhiên là để bán hàng được theo cách này bạn cũng sẽ cần giảm giá đi nhưng thay vào đó bạn sẽ bán được với sso lượng nhiều.
Những bước chính cần để làm đậu phụ:
+ Đậu tương sau khi mua về hoặc có thể tự trồng đem ngâm.
+ Đãi và tách lớp vỏ bã
+ Khử trùng và trộn
+ Thực hiện quá trình đông tụ để có thể dập vào khuôn và cuối cùng là làm nguội miếng đậu bằng nước.
Trên đây là những bước cơ bản để có thể làm đậu phụ, bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về nhiều bước chi tiết sau đó để có thể mở một cơ sở làm đậu phụ tư nhân. Bạn cũng không nên lo lắng quá nhiều về việc liệu đã có ng làm đậu phụ rồi, giờ mình mở thêm nữa thì liệu có bán được không. Vấn đề quan trọng ở chỗ là bạn cần xây dựng niềm tin với mọi người bằng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thay vì chỉ là những người mua bán bình thường, đó cũng chính là bí quyết nhỏ dành cho thị trường kinh doanh tại vùng quê.
Tóm lại, dù bạn chọn cách khởi nghiệp của bạn là gì đi chăng nữa, thì điều đầu tiên bạn cần làm vẫn là xây dựng một thương hiệu riêng cho sản phẩm hay dịch vụ của mình. Để khách hàng biết đến và đặt niềm tin, thì phải đảm bảo được mặt hàng bạn đang kinh doanh có chất lượng an toàn. Nếu bạn có cố gắng chắc chắn bạn sẽ thành công trên chính mảnh đất quê hương của mình. Bạn hãy lựa chọn cách mà bản thân bạn cảm thấy thích nhất và phù hợp nhất để tự mình khởi nghiệp thành công ngay tại quê nhà.