Quản lý nhân sự hay còn gọi là Quản trị nguồn nhân lực là công tác quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ công ty hay doanh nghiệp lớn nhỏ nào, là một phương thức giúp quản lý con người trong công việc, bởi con người là bộ phận cốt lõi, là nguồn lực quan trọng nhất và cũng chính là yếu tố trung tâm tạo ra sức mạnh cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Muốn doanh nghiệp vận hành hiệu quả thì bắt buộc người quản lý cần phải có tầm nhìn xa về chiến lược và rèn luyện cho mình kỹ năng quản trị nhân sự cần thiết hoặc ít nhất phải xây dựng được một quy trình quản trị nhân sự chi tiết, gắn liền với những kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó người làm công việc quản lý nhân sự này sẽ chịu trách nhiệm phần phát triển các quy trình và hỗ sợ nhân viên phát huy hết khả năng tiềm ẩn, giảm lãng phí nguồn lực và mang lại hiệu quả làm việc cao cho doanh nghiệp.
Vậy quản lý nhân sự bao gồm những việc gì mà lại có tầm ảnh hưởng đến như vậy?
1. Quản lý chính sách và đề ra chính sách liên quan đến tài nguyên nhân sự
Bộ phận quản lý nhân sự đóng vai trò chủ yếu trong việc quản lý các chính sách nhằm đảm bảo rằng chính sách do Nhà nước qui định được thực hiện đúng và đầy đủ trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, những người làm quản trị nhân sự cũng phải chịu trách nhiệm đề ra các biện pháp để giải quyết các chính sách trong phạm vi của doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức.
2. Tuyển dụng nhân sự
Nhà quản lý cần tiếp nhận các đề xuất của các quản lý phòng ban về việc bổ sung nhân sự mới từ đó tổng hợp, báo cáo các kế hoạch tuyển dụng trình cho ban giám đốc của công ty.
Ngay sau khi ban giám đốc đồng ý, tổ chức đăng thông tin tuyển dụng qua các kênh khác nhau như đăng trên website, diễn đàn tìm việc làm, báo chí…
Xem xét các hồ sơ xin việc đã ứng tuyển và lọc ra các hồ sơ phù hợp để ứng với số lượng cấp trên đã đề ra và tiếp theo đó sẽ ký hợp đồng thử việc với nhân sự mới. Nếu làm tốt và phù hợp với môi trường công việc sẽ ký hợp đồng chính thức.
Vì vậy việc khai thác tốt nguồn lực này để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp và xã hội là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
3. Tư vấn cho các bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp, đối với một bộ phận nào đó khi làm việc chắc chắn sẽ xảy ra các vấn đề như nhân viên bỏ việc, bộ phận có tỷ lệ nhân viên đi trễ, vắng mặt cao, bộ phận khác thắc mắc về chế độ lương, thưởng phụ cấp hoặc về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội. … Với tất cả các việc như trên, người phục trách về nhân sự sẽ chịu trách nhiệm tư vấn hoặc giải quyết các vấn đề này để đảm bảo cho bộ máy hoạt động luôn được diễn ra suôn sẻ.
4. Đánh giá năng lực, ý thức trách nhiệm của nhân viên và xử lý kỷ luật, khiếu nại
Bộ phận quản lý nhân sự sẽ đảm nhận chức năng kiểm tra cũng như giám sát các bộ phận làm việc khác để đảm bảo việc thực hiện các chính sách, các chương trình nâng cao nghiệp vụ cho nhân sự; kiểm tra các thủ tục, kiểm tra các bộ phận khác đánh giá thành tích nhân viên có đúng không, hay có bỏ sót một phần thành tích nào đó hay không.
Ngoài ra người quản lý nhân sự cũng làm nhiệm vụ kiểm tra đo lường, phân tích và giải quyết các đơn khiếu nại, các tai nạn lao động, các kỳ hạn chấm dứt hợp đồng, lý do vắng mặt của nhân viên, từ đó đưa ra các biện pháp kỷ luật cho cá nhân có nhiều khuyết điểm, vi phạm nội quy, quy chế công ty nhằm khắc phục và phát huy tối đa năng lực làm việc của nguồn nhân sự, thúc đẩy các bộ phận khác quản lý tài nguyên nhân sự một cách hiệu quả hơn, giúp đạt được các mục tiêu chiến lược của công ty.
5. Chấm công, tính lương cho nhân viên
Việc phải ghi chép đầy đủ lại từng ngày công của nhân viên đối với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay là không còn cần thiết nữa, mà thay vào đó đã có vô số công ty ứng dụng các phần mềm chấm công cho việc quản lý ngày công của nhân viên. Tuy nhiên không thể nói rằng việc đã sử dụng phần mềm thì nhà quản lý nhân sự không cần đảm nhận công việc này nữa thì hoàn toàn không chính xác.
Bởi công ty vẫn cần phải biết được chi tiết số ngày công, số ngày đã nghỉ, số lần đi làm muộn và đi muộn bao lâu để thuận tiện cho việc đánh giá sự chuyên cần của nhân viên từ đó có kế hoạch tăng lương, thưởng theo hiệu quả làm việc, thâm niên.
Ngoài việc chấm công thì đôi khi quản lý nhân sự cũng sẽ là người trực tiếp chi trả lương đúng ngày cho toàn nhân viên.
6. Đào tạo nhân sự
Không dừng lại ở những công việc như trên, nhà quản lý nhân sự cần đề ra các chương trình giao lưu, hoạt động để chia sẻ kinh nghiệm xử lý công việc giữa các phòng ban hoặc giữa các cơ quan doanh nghiệp với nhau.
Không những vậy, quản trị nhân sự nên tạo điều kiện cho nhân viên bổ sung thêm các khóa học nghiệp vụ đào tạo hành chính nhân sự bằng các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại công ty hoặc cho đi học ở các trung tâm khác để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên và đem lại hiệu quả công việc cao hơn.
Bên cạnh đó, người quản lý nhân sự còn có nhiệm vụ phải thu hút và giữ chân các nhân viên sáng giá, đạt tiêu chuẩn và sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của họ. Công việc này vô cùng quan trọng với bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào.
Có thể nói rằng công việc của một quản lý nhân sự không phải là một công việc đơn giản, dễ dàng vì tính chất công việc yêu cầu phải có sự hài hòa giữa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, phải đem lại sự hiệu quả trong quá trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự cũng như biết khéo léo trong việc xây dựng tính đoàn kết trong doanh nghiệp.
Tóm lại công việc quản lý nhân sự bao gồm nhiều hoạt động đa dạng sẽ góp phần tạo nên giá trị của công ty.Tất cả những yếu tố trên tạo nên sự thành công của một nhà quản lý nhân sự nhưng để hiểu rõ và nắm bắt được tâm lý cũng như những mong muốn của nhân viên đòi hỏi các nhà quản lý nhân sự phải là những người biết lắng nghe, biết xây dựng mối quan hệ với nhân viên.